Cơn lốc trí tuệ nhân tạo đã thổi một làn gió mới vào nền kinh tế, buộc các ông chủ của doanh nghiệp phải “dấn thân” vào “cuộc chơi công nghệ”, trong đó hệ thống thông tin chính là “linh hồn” của hệ sinh thái doanh nghiệp cần được đặc biệt chăm sóc. Đó chính là lý do mà các CIO (Chief Information Officer) ra đời. Vậy CIO là gì? CIO có vai trò gì trong doanh nghiệp? Bài viết sau đây sẽ giải đáp cho bạn mọi thắc mắc về CIO.
CIO là gì?
CIO là viết tắt của cụm từ Chief Information Officer, nó chỉ chức vụ Giám đốc Thông tin hay Giám đốc Công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.
Bắt đầu với vai trò phụ trách Bộ phận xử lý dữ liệu cũng như hệ thống thông tin (Information System), vị trí CIO ngày nay còn chịu trách nhiệm xây dựng và quản trị hệ thống thông tin trong nội bộ doanh nghiệp để đảm bảo các hoạt động kinh doanh đạt hiệu suất cao nhất. Trong các công ty công nghệ và các Startup Công nghệ thì CIO hay CTO còn là linh hồn của sản phẩm của công ty và họ chính là CEO của các công ty Startup. Bên cạnh đó, CIO còn góp phần kiến tạo môi trường tương tác thân thiện với khách hàng, các nhà cung cấp và nhà đầu tư.

CIO và CTO có gì khác nhau?
Bạn có nghĩ rằng khi nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp và khách hàng gặp sự cố IT thì họ sẽ cần đến sự hỗ trợ của cùng một người? Câu trả lời của chúng tôi hẳn sẽ làm bạn bất ngờ bởi mỗi sự cố mà nhân viên “khách hàng nội bộ” và người sử dụng dịch vụ sẽ thuộc phạm vi phụ trách của hai đối tượng khác nhau. Nếu như CIO được coi là “bác sĩ khoa nội” chuyên “điều trị” các “bệnh lý” IT và phát triển chuyên sâu về hệ thống công nghệ thông tin của nội bộ doanh nghiệp thì CTO (Giám đốc công nghệ) được coi là “bác sĩ khoa ngoại”, đảm nhiệm chữa trị các vấn đề IT cho khách hàng và cho đối tác bên ngoài sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp.

Suy rộng ra, CTO kiến tạo ra những sản phẩm công nghệ để phát triển dịch vụ khách hàng nhờ những “liệu pháp” chuyên sâu về kỹ thuật, trong khi CIO thì tập trung vào việc quản lý hạ tầng – cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. CIO làm chủ công nghệ kinh doanh và cũng là cố vấn cấp cao của tổ chức về các kế hoạch sử dụng công nghệ trong việc phát triển kinh doanh của các tổ chức, trong khi đó, CTO thì tập trung vào việc triển khai cụ thể những vấn đề kỹ thuật và có thể đảm bảo đầu ra là các sản phẩm/ dịch vụ phục vụ khách hàng.
Vai trò và nhiệm vụ chính của CIO trong doanh nghiệp là gì?
CIO có những vai trò gì trong doanh nghiệp?
CIO là người chịu trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin cho Phòng ban trong tổ chức như Phòng Truyền thông – Marketing, Phòng Kinh doanh, Phòng Nhân sự, Phòng Sản xuất,… nhằm để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và củng cố uy tín của sản phẩm/ dịch vụ cũng như vị thế của thương hiệu trong lòng khách hàng.
CIO còn có vai trò cố vấn các kế hoạch cho chiến lược phát triển công nghệ cho doanh nghiệp, bên cạnh đó là đảm bảo các khoản đầu tư cho Công nghệ thông tin hợp lý. Ngoài ra CIO còn là người tổng đài quản lý hoạt động kinh doanh của tổ chức thông qua cơ sở dữ liệu trong hệ thống thông tin. Chính vì vậy, CIO có trách nhiệm thiết kế và triển khai các chiến lược phát triển công nghệ để đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, sản xuất.

CIO đảm nhiệm những công việc gì trong doanh nghiệp?
Phụ thuộc vào đặc điểm của kinh tế ngành cùng quy mô và chiến lược phát triển của doanh nghiệp mà CIO đảm nhiệm những nhiệm vụ khác nhau.
Dưới đây là những nhiệm vụ chính của một CIO trong doanh nghiệp mà chúng tôi đã tiến hành tổng hợp:
- Thiết kế ra hệ thống thông tin doanh nghiệp
- Đề xuất ngân sách cho các dự án, thiết bị nâng cấp và giám sát các chuyên gia, nhân viên CNTT
- Phát triển các nền tảng dịch vụ khách hàng
- Quản lý chuỗi cung ứng
- Quản lý các hệ sinh thái doanh nghiệp
Làm thế nào để trở thành CIO?
Theo đuổi con đường để trở thành CIO có khó không? Ai có thể trở thành CIO? Thông tin dưới đây mà chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp:
Nếu Bạn là một nhân viên kinh doanh nhưng lại có khát vọng trở thành một CIO? Liệu giấc mơ này có thể trở thành hiện thực không? Câu trả lời đó là hoàn toàn có thể và thậm chí “dân kinh doanh” còn được “cộng điểm” tuyệt đối bởi CIO là các cố vấn chuyên trách về công nghệ cho doanh nghiệp và là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược siêu việt.
Nếu bạn là một Chuyên viên phân tích nghiệp vụ thì bạn đã sở hữu trong tay các thế mạnh như thạo nghiệp vụ tư vấn quản lý, chuyên nghiệp trong việc phân tích hệ thống và phân tích dữ liệu. Nếu như bạn chăm chỉ đầu tư thêm thời gian vào việc “đi thị trường” để tìm hiểu thêm về những nhu cầu của khách hàng, đồng thời phát triển tư duy thiết kế sản phẩm thì giấc mơ để trở thành CIO của bạn sẽ nhanh chóng thành hiện thực.

Nếu bạn có kinh nghiệm khoảng 5 năm trở lên tại vị trí quản lý IT, nghĩa là bạn đã “nằm lòng” các chức năng và cách vận hành của các hệ thống thông tin khác nhau cũng như nhận diện phương pháp thiết kế hệ thống nào phù hợp với doanh nghiệp thì ngoài việc cần “bồi bổ” thêm các kiến thức về kinh doanh, bạn cũng cần bắt tay vào tập dượt xây dựng hệ thống thông tin bởi hệ thống thông tin là “đất diễn” cho CIO và kinh nghiệm quản trị và “fix” lỗi hệ thống chuyên nghiệp sẽ khiến các bạn được Ban giám đốc đánh giá cao và con đường thăng tiến trở thành một CIO chỉ còn là câu chuyện sớm hay muộn phải không?
Qua bài viết này của Seotoro.vn mong rằng các bạn đã hiểu hơn về vị trí CIO trong doanh nghiệp. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào thì các bạn hãy để lại phản hồi ở bên dưới nhé!